ĐI TÌM HÀO QUANG CHO CHANH LEO
2023-11-07 16:52:30 19 lượt xem
GIA LAI - Giá xuống thấp, không được đầu tư chăm sóc, cộng với thời tiết bất lợi khiến chanh leo bị đủ loại nấm bệnh tấn công.
Dịch bệnh đang đe dọa các vườn chanh leo ở khắp nơi - Nguồn Báo Nông Nghiệp Việt Nam ( 7/11/2023).
Hiện nay phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu chăm sóc chanh leo theo phương pháp truyền thống, thiếu quy trình kỹ thuật chặt chẽ dẫn đến những vườn chanh bị các loại bệnh tàn phá như virus xoăn lá, phấn trắng, nấm bã trầu, nấm mắt cua…
Ghi nhận thực tế tại huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai), bệnh phấn trắng đang hoành hành trên diện rộng tại các vườn chanh leo của người dân. Đến bất cứ vườn chanh nào, người dân cũng lắc đầu ngao ngán với bệnh phấn trắng.
Vườn chanh leo 1ha của gia đình ông Nguyễn Văn Tài ở thôn 1, xã Ia Ka (huyện Chư Păh) dù chưa cho thu bói nhưng đã bị bệnh phấn trắng tấn công rất nhiều. Anh Tài cho biết, gia đình anh rất chú trọng đến việc chăm sóc vườn chanh, từ việc bón phân, đến phun thuốc định kỳ. Tuy nhiên, bệnh phấn trắng rất dễ lây lan, trong khi thuốc đặc trị lại không có, dẫn đến quả chanh ngày càng teo tóp.
Nhiều vườn chanh leo bị dịch bệnh, người dân bỏ bê, không buồn chăm sóc. Ảnh: Tuấn Anh. - Báo Nông Nghiệp Việt ( 7-11-2023).
Hơn 2 năm , kinh nghiệm chăm sóc chủ yếu được gia đình anh Tài tự mày mò tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc học từ những người đi trước. Thiếu quy trình chăm sóc bản bản nên quả chanh ở vườn anh Tài chất lượng, mẫu mã rất kém, phải bán làm chanh múc với giá thấp. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều hộ dân trồng chanh leo theo phong trào ở địa phương này. “Gia đình đã lỡ trồng rồi nên buộc phải theo, chứ với giá như hiện tại, rất nhiều hộ dân đang tính chuyện phá bỏ vườn chanh”, anh Tài chia sẻ.
Đang thu hái vườn chanh hơn 1ha, bà Khổng Thị Là (làng Bui, xã Ia Ka) ngao ngán cho biết: Vụ chanh năm nay xem như thất bại hoàn toàn khi bị đủ thứ bệnh tấn công. Hết bệnh phấn trắng lại bị nấm mắt cua hoành hành, vườn chanh dây ngày càng úa tàn.
Cũng theo bà Là, đang lây lan cho cả vùng, nhà nào trồng chanh leo cũng không tránh khỏi. Bên cạnh đó, chất lượng giống những năm gần đây không đảm bảo cũng là nguyên nhân xảy ra dịch bệnh. Giống kém chất lượng, có thể đã mang sẵn mầm bệnh nên ngay khi trồng đã có dấu hiệu bị bệnh, dù chăm sóc kỹ càng bệnh vẫn không giảm.
“Gia đình chăm sóc rất kỹ, sử dụng phần lớn phân hữu cơ nhưng cũng không thể cứu được vườn chanh leo. Khi phát hiện bị bệnh, chúng tôi cũng dùng đủ loại thuốc điều trị, từ thuốc hóa học đến sinh học nhưng “lực bất tòng tâm”, chanh leo vẫn ngày càng teo tóp. Thu hoạch mới được 3 đợt mà chanh đã tàn gần hết, thua lỗ là cái chắc”, bà Là buồn bã cho biết.
Giá chanh xuống thấp cộng với dịch bệnh hoành hành nên dân trong vùng đang rất chán nản với cây chanh leo, nhiều hộ đang có kế hoạch bỏ hết chanh leo để chuyển sang trồng cây khác.
Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện điều tra, nắm bắt diện tích chanh leo bị nhiễm sâu bệnh để kịp thời hướng dẫn cho người dân thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tránh lây lan ra diện rộng.
Ngoài ra, Chi cục tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp khác tại địa phương, ngăn chặn kịp thời, không để giống chanh leo bị nhiễm sâu bệnh, vật tư nông nghiệp kém chất lượng đưa vào sản xuất gây thiệt hại cho người dân.
Thời tiết “giết” chanh leo
Nhiều tháng nay, thời tiết ở Gia Lai quá khắc nghiệt, liên tục có mưa, ít nắng, dẫn tới những vườn chanh leo bị ngập úng, kéo theo nhiều dịch bệnh phát sinh, gây hại. Quả chanh đang trong thời kỳ phát triển bị các loại nấm bã trầu, mắt cua… tấn công, gây thiệt hại không nhỏ cho người trồng.
Những cơn mưa kéo dài khiến chanh leo bị đủ loại nấm bệnh tấn công. Ảnh: Tuấn Anh.
Mưa kéo dài trong thời gian qua đã khiến những con đường vào khu trồng chanh leo ở huyện Ia Grai vốn không người chăm sóc nay càng thêm ảm đạm. Đang gia cố lại vườn chanh sau những ngày bị mưa gió quật ngã, anh Võ Thanh Sơn (thôn Chư Hầu 6, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) cho biết, toàn bộ 5 sào (sào 1.000m2) trồng chanh leo của gia đình đang bị nấm bã trầu tấn công. Giờ chỉ hi vọng trời nắng để phun thuốc điều trị nhằm cứu vãn vườn chanh.
Anh Sơn thừa nhận, thời gian qua, những cơn mưa kéo dài cộng với việc giá chanh leo xuống thấp nên gia đình anh không buồn chăm sóc, dẫn đến dịch bệnh tấn công là không tránh khỏi. “Thời gian tới, gia đình sẽ cố gắng chăm sóc lại vườn chanh chứ dịch bệnh tấn công như vậy càng thêm thiệt hại”, anh Sơn chia sẻ.
Cay đắng nhất có lẽ thuộc về vườn chanh leo hơn 7ha của gia đình anh Nguyễn Xuân Phương (xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang). Cách đây hơn 1 tháng, vườn chanh của gia đình anh Phương được xem là mô hình kiểu mẫu. Người dân trong vùng đến thăm vườn chanh của gia đình anh Phương đều trầm trồ khen ngợi về chất lượng, mẫu mã quả. Tất cả đều tin 80% vườn chanh của gia đình anh Phương đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang châu Âu.
Thế rồi, những cơn mưa xuất hiện kéo dài khiến tất cả diện tích chanh leo của gia đình anh bị bệnh nấm mắt cua tấn công. Ban đầu, nấm xuất hiện với số lượng ít, sau đó lan rộng ra cả vườn. Những cơn mưa kéo dài khiến anh Phương bất lực, không thể phun thuốc điều trị.
Nấm bệnh tấn công khiến nhiều vườn chanh leo bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: Tuấn Anh.
“Vụ thu hoạch đợt đầu này xem như bỏ đi rồi, chất lượng quả chanh quá kém. Hi vọng thời gian tới sớm hết mưa để gia đình tập trung chăm sóc lại vườn chanh, cữu vãn cho đợt thu hoạch tiếp theo”, anh Phương chia sẻ.
Thời tiết bất lợi ở Gia Lai thời gian qua gây khó khăn, thiệt hại không chỉ đối với cây chanh leo mà còn với nhiều cây trồng khác. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai đã khuyến cáo người dân cần áp dụng biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) để phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây chanh leo cũng như các loại cây trồng khác.
Đồng thời, sử dụng cây giống của những cơ sở sản xuất có uy tín, chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chuyên môn cấp phép. Cây giống trước khi đem ra trồng phải đảm bảo có chứng nhận sạch virus và không nhiễm các nấm bệnh truyền qua đất như , Phytophthora…
Bài viết liên quan
0 đánh giá về ĐI TÌM HÀO QUANG CHO CHANH LEO
SAO TRUNG BÌNH
0
5
0 đánh giá
4
0 đánh giá
3
0 đánh giá
2
0 đánh giá
1
0 đánh giá